Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Tôi Có Một Ước Mơ



Martin Luther King, Jr.
LGT. Bài diễn văn “Tôi Có Một Ước Mơ” có lẽ là bài diễn văn hay nhất, hùng biện nhất của Mục sư Martin Luther King, Jr. Không những thế, bài diễn văn này vào năm 1999 còn được 137 học giả về nghệ thuật hùng biện xếp hạng nhất  trong 100 bài diễn văn hay nhất của Mỹ trong thế kỷ 20.Trong cuộc biểu tình lịch sử đòi hỏi dân quyền và sự bình đẳng của người da đen tại Mỹ, trên bậc thềm của Đài Tưởng niệm Tổng thống Lincoln, King đã diễn đạt ước mơ của mình trước một cử tọa gần 250 ngàn người vào ngày 28 tháng Tám năm 1963. Cuộc biểu tình vĩ đại này đã diễn ra trong trật tự và hòa bình và không có bất kỳ một sự xô xát nào giữa lực lượng cảnh sát và những người biểu tình. Thành phần tham dự biểu tình không phải chỉ có những người da đen mà đã có gần 63 ngàn người da trắng cùng tham dự trong cuộc biểu tình quy tụ gần 1/4 triệu người.
Ngày sinh của MLK, 15 tháng Giêng, đã được Hoa Kỳ chính thức chọn làm ngày lễ của toàn quốc khi tổng thống Reagan ký đạo luật ban hành vào năm 1983. Đạo luật này chỉ được Quốc hội Mỹ thông qua sau khi có sự vận động và thỉnh nguyện thư gồm có chữ ký của sáu triệu cử tri.
***
Tôi rất sung sướng có mặt cùng anh em hôm nay trong một ngày lịch sử, một ngày đánh dấu cuộc biểu tình đòi tự do vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta.
Một trăm năm trước đây,[1] một vĩ nhân Hoa kỳ, mà chúng ta đang đứng dưới bóng biểu tượng của người, đã ký Bản Tuyên Cáo Giải phóng Nô lệ. Bản tuyên cáo vĩ đại này đã trở thành ngọn hải đăng hy vọng cho hàng triệu người nô lệ Da đen, những người đã bị héo khô mòn mỏi dưới ngọn lửa của bất công. Bản tuyên cáo đến như ánh bình minh rạng rỡ chấm dứt cho họ đêm đen của tù ngục.
Nhưng một trăm năm sau, người Da đen vẫn chưa được tự do. Một trăm năm sau, người Da đen vẫn còn đang bị những cái cùm của sự phân chủng và xiềng xích của sự kỳ thị làm cho tàn tật. Một trăm năm sau, người Da đen vẫn còn đang phải sống trên một hòn đảo nghèo đói cô đơn giữa một đại dương bát ngát của vật chất phồn vinh. Một trăm năm sau người Da đen vẫn còn phải chờ đợi mỏi mòn trong những góc khuất của xã hội Mỹ và thấy đang bị lưu đầy ngay trên chính quê hương mình. Và như vậy, chúng ta đã đến đây hôm nay để phô bày tình trạng đáng xấu hổ này trước công luận.
Có thể nói ngày hôm nay chúng ta đến thủ đô là để lãnh một tấm chi phiếu, để đòi nợ. Khi những kiến trúc sư của nền cộng hòa của chúng ta viết những dòng chữ uy nghi trong bản Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập, họ đã ký một giấy nợ với tất cả những con dân của nước Mỹ. Giấy nợ này hứa hẹn rằng tất cả mọi người dân Mỹ, đúng vậy, tất cả, da đen cũng như da trắng, sẽ được bảo đảm những quyền “bất khả xâm phạm;” đó là “Quyền Sống, Quyền Hưởng Tự Do, và Quyền Mưu cầu Hạnh phúc.” Thế nhưng, ngày nay, nước Mỹ đã bội ước trên món nợ này, ít ra là đối với những công dân gốc da màu. Thay vì tôn trọng bổn phận thiêng liêng này, nước Mỹ đã ký cho những người da đen một tấm chi phiếu vô giá trị, một tấm chi phiếu bị hoàn trả vì “không đủ tiền bảo chứng.”
Nhưng chúng ta không tin rằng ngân hàng của công lý đã bị khánh tận. Chúng ta không tin rằng cái kho cơ hội vĩ đại của đất nước này lại không có đủ tiền bảo chứng. Và vì thế, chúng ta đã đến đây để lãnh tấm chi phiếu này; tấm chi phiếu đem lại, theo đòi hỏi của chúng ta, sự giàu có của tự do và an ninh của công lý.
Chúng ta cũng đến nơi thiêng liêng này để nhắc cho nước Mỹ biết về tình trạng khẩn cấp như lửa cháy của Lúc Này. Lúc Này không phải là lúc để tham dự vào sự xa xỉ của những phiên họp nhằm “giảm nhiệt” hay uống những viên thuốc an thần của chính sách tiệm tiến. Bây giờ là lúc để biến thành hiện thực những hứa hẹn của dân chủ. Bây giờ là lúc phải vượt khỏi bóng tối và khổ đau của thung lũng phân chủng để vươn tới con đường trải đầy ánh sáng của công bằng chủng tộc. Bây giờ là lúc phải nâng đất nước chúng ta lên khỏi vũng lầy của sự bất công chủng tộc và đặt lên trên nền đá tảng của tình huynh đệ. Bây giờ là lúc biến công lý trở thành hiện thực cho mọi con dân của Thượng Đế.
Nếu không quan tâm tới tính chất khẩn cấp của thời điểm này, đất nước của chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm chí tử. Mùa hè oi ả của sự bất mãn chính đáng của người Da Đen sẽ không tự trôi qua cho đến khi mùa thu đầy sinh lực của tự do và bình đẳng đến. Năm 1963 không phải là cứu cánh, mà chỉ là điểm khởi đầu. Và những kẻ nào hy vọng rằng người Da Đen sẽ hài lòng sau khi để cho họ “xả hơi bất mãn” thì họ sẽ phải đối diện với một sự thật phũ phàng, nếu đất nước này vẫn tiếp tục hành xử như cũ. Sẽ không có sự yên tĩnh và thanh bình trên nước Mỹ cho tới khi người Da Đen có được quyền công dân chính đáng của mình. Cơn lốc của cách mạng sẽ tiếp tục lay tận gốc đất nước của chúng ta cho đến khi ánh sáng xán lạn của công lý hiện ra.
Nhưng có điều tôi cũng muốn trình bày với anh em của tôi, những người đang đứng trước ngưỡng cửa ấm áp dẫn vào cung điện của thần công lý: Trong tiến trình đòi hỏi chỗ đứng đúng đắn của mình, chúng ta không thể để bị buộc tội vì những hành vi sai trái. Hãy đừng dùng chén của thù hận và cay đắng để thỏa mãn cơn khát của mình. Chúng ta phải mãi mãi tiến hành cuộc đấu tranh của mình ở trên tầng cao của nhân phẩm và kỷ luật. Chúng ta không được phép để cho những sự phản đối đầy sáng tạo của ta thoái hóa thành sự bạo động bằng vũ lực. Ta phải luôn luôn nhớ là phải vượt lên đến trình độ vương giả là sử dụng sức mạnh của tinh thần để đối phó với bạo lực của thể chất.
Phe chủ chiến vừa mới nổi lên đây đã bao trùm cả cộng đồng người Da Đen, nhưng ta đừng để chủ trương bạo lực này khiến ta mất niềm tin vào tất cả những người da trắng, vì rất nhiều những người anh em da trắng của chúng ta, mà sự hiện diện của họ với chúng ta ngày hôm nay đã chứng minh là họ nhận thức được định mệnh của họ và của chúng ta dính liền với nhau. Và họ đã tới để xác nhận một sự thực là sự tự do của họ và tự do của chúng ta là một mối dây không thể gỡ riêng ra được. 
Chúng ta không thể bước đi đơn độc.
Khi bước đi, ta phải tự hứa rằng sẽ luôn luôn bước về phía trước.
Chúng ta không thể quay đầu trở lại.
Nhiều người đã hỏi những người đấu tranh cho dân quyền câu này: “Chừng nào mấy người mới thỏa mãn hả?” Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào người Da Đen còn là nạn nhân của những sự bạo hành khủng khiếp không thể tưởng tượng được của cảnh sát. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào mà thể xác của chúng tôi, bị mỏi mệt vì đi đường xa, mà không thể vào nghỉ tại quán trọ trên đường đi hay tại khách sạn trong thành phố. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi sự di chuyển cơ bản của người Da Đen là từ một khu ổ chuột nhỏ sang một khu ổ chuột lớn hơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi con em của chúng tôi bị tước đoạt ý thức về cái-tôi của chúng và bị cướp đi nhân phẩm bởi những tấm bảng đề: “Chỉ dành cho người Da Trắng.” Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào còn người Da Đen ở Mississippi không được đi bầu, và còn người Da Đen ở New York nghĩ là y chẳng có gì để mà lựa chọn cả. Không. Không. Chúng tôi không thỏa mãn, và sẽ
không thỏa mãn cho đến khi “sự chánh trực chảy xuống như nước, và công bình như sông lớn cuồn cuộn.”[2]
Tôi biết có những anh em đến đây sau bao nhiêu thử thách và hoạn nạn. Một số vừa mới ra khỏi những phòng giam chật hẹp. Và một số đến từ những vùng mà sự tìm kiếm tự do đã khiến cho thân thể anh em bị bầm dập bởi những cơn bão của bách hại và lao đao vì những cơn gió của cảnh sát tàn bạo. Các anh em đã là cựu chiến binh của những khổ đau đầy sáng tạo. Hãy tiếp tục công cuộc đấu tranh với đức tin là những sự đau khổ dưng không xảy đến cho mình, những đau khổ đó chính là ơn cứu chuộc. Hãy về lại Mississippi, về lại Alabama, về lại South Carolina, về lại Georgia, về lại Louisiana, về lại những khu ổ chuột và khu biệt cư của người Da Đen tại những thành phố miền bắc, và hãy tin rằng bằng cách này hay bằng cách khác, chúng ta có khả năng để thay đổi và tình trạng này sẽ được thay đổi.
Tôi xin nói với anh em ngày hôm nay, đừng tự đắm mình trong thung lũng của tuyệt vọng.
Và ngay cả khi chúng ta đang đối diện với những khó khăn ngày hôm nay và của ngày mai, tôi vẫn có một ước mơ. Một ước mơ bắt nguồn sâu xa từ trong ước mơ của nước Mỹ.
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày đất nước này sẽ trỗi dậy và sống đúng với ý nghĩa của tín điều đã được tuyên xưng: “Chúng tôi công nhận những điều này là chân lý hiển nhiên, đó là mọi người sinh ra đều bình đẳng.”
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con cái của những người cựu nô lệ và của cựu chủ nhân sẽ có thể ngồi xuống với nhau bên chiếc bàn của tình huynh đệ.
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày, ngay cả tiểu bang Mississippi, một tiểu bang mà sự bất công đang bốc hơi nồng nực, đang ngột ngạt dưới cái nóng của đàn áp, sẽ được hóa thân thành một ốc đảo của tự do và công lý.
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày bốn đứa con nhỏ của tôi được sống trong một quốc gia mà chúng không bị đánh giá bởi màu da bên ngoài mà bằng tư cách ở bên trong.
Tôi có một ước mơ ngày hôm nay!
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày tại Alabama—với những kẻ kỳ thị chủng tộc ác ôn, với viên thống đốc mà miệng lưỡi còn dính những chữ “trung gian” và “vô hiệu hóa”—một ngày mà trẻ con da đen và da trắng có thể nắm tay nhau thân ái trong tình huynh đệ.
Tôi có một ước mơ ngày hôm nay!
Tôi có một ước mơ là sẽ có ngày mọi thung lũng được nâng cao và mọi núi đồi sẽ bị hạ thấp, những chốn gồ ghề sẽ được lấp bằng và mọi nẻo cong sẽ được uốn thẳng; “và sự vinh quang của Thượng Đế sẽ được hiển lộ cho tất cả nhân loại.”[3]
Đó là hy vọng của chúng ta và đó là đức tin tôi sẽ mang theo khi về lại miền Nam.
Với đức tin này, chúng ta sẽ có thể đẽo ra từ ngọn núi tuyệt vọng một viên đá của hy vọng. Với đức tin này, chúng ta sẽ có thể biến cải những tiếng nói bất hòa và chát chúa thành một bản hợp xướng của tình Huynh đệ. Với đức tin này, chúng ta có thể cùng nhau làm việc, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau tranh đấu, cùng nhau chịu tù đày, cùng nhau chiến đấu cho tự do, và biết rằng, sẽ có một ngày, chúng ta được tự do.
Và ngày ấy sẽ đến—đó sẽ là ngày mà tất cả những người con của Thượng Đế sẽ có thể cất cao lời hát với ý nghĩa mới:
Tôi hát ngợi ca quê hương này của tôi và của anh, đất ngọt của tự do.
Vùng đất tổ tiên đã hy sinh, và đất của người Hành hương quang vinh,
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên  từ khắp núi đồi quê hương.
Và nếu Hoa Kỳ muốn trở thành một quốc gia vĩ đại, thì điều này phải thành sự thực.
Và hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những ngọn đồi kỳ vĩ của New Hampshire.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những rặng núi đồ sộ của New York.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ rặng Allegheny của Pennsylvania.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ đỉnh cao tuyết phủ của dãy Trường Sơn Colorado.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những sườn đồi óng ả của xứ California.
Nhưng không phải chỉ có thế:
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ ngọn Thạch Sơn của Georgia.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ ngọn Vọng Sơn của Tennessee.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ mọi ngọn đồi và đụn cát xứ Mississippi.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ khắp núi đồi quê hương.
Và khi tiếng chuông tự do vang lên, khi chúng ta để cho tiếng chuông tự do vang lên từ mọi làng thôn, từ mọi tiểu bang và phố thị, ta sẽ có thể tiến đến cái ngày ấy mau hơn, cái ngày mà mọi con dân của Thượng Đế, da trắng và da đen, người Do Thái và dân Ngoại giáo, tín đồ Tin Lành và Công giáo, sẽ cùng nắm tay nhau và hát lên những câu hát của bản thánh ca cổ của người Da Đen:
Cuối cùng đã có tự do! Cuối cùng đã có tự do!
Tạ ơn Chúa Toàn năng, cuối cùng chúng ta đã có tự do![4]
© Học Viện Công Dân 2012

Chín Kỹ Năng Quan Trọng để Trở Thành Một Nhà Lãnh Đạo Hữu Hiệu



Truyền Thông (Communications)
Đây là kỹ năng cơ bản để đạt đến thành công. Truyền Thông là phương tiện căn bản để chuyển đạt tin tức đến mọi người qua văn bản hoặc là qua các phương tiện thông tin khác như truyền miệng, truyền thanh, truyền hình vân vân. Những Nhà Quản Trị giỏi phải có khả năng truyền đạt tư tưởng để cung cấp đủ tin tức và dữ kiện cần thiết cho đội ngũ nhân viên làm việc cho họ ngõ hầu có thể quyết định công việc một cách hữu hiêu. Ngoài ra, Nhà Quản Trị còn là người đại diện công ty của mình để giao dịch với bên ngoài. Công việc này đòi hỏi kỹ năng về truyền thông cả về viết lẫn về nói chuyện. Kỹ năng này sẽ giúp Nhà Quản Trị khuyến khích và xây dựng lòng tin trong cộng sự viên và tạo được sự cộng tác của nhân viên. Một trong những lãnh vực thường bị quên lãng nhưng rất quan trọng trong kỹ năng về truyền thông là khả năng "Lắng Nghe" người khác. Nhà Quản Trị giỏi cần phải biết lắng nghe nhân viên của mình, quan tâm và để ý đến nhân viên cộng tác với mình để tạo sự thông cảm và tín nhiệm của nhân viên.
Tư Duy Phê Phán (Critical Thinking)
Kỹ năng này được định nghĩa là khả năng phân tích các vấn đề phức tạp và nhìn vấn đề này qua nhiều khía cạnh khác nhau và lý luận theo nhiều cái nhìn khác nhau. Khi nhìn một vấn đề, nếu chúng ta chỉ nhìn theo một chiều hướng, theo một lối suy nghĩ, thì có nguy cơ là chúng ta có thể tìm ra một lời giải đáp sai hoặc thiếu sót cho vấn đề đang giải quyết. Trong khi đó tư duy phê phán giúp chúng ta nhìn vấn đề theo nhiều lối suy nghĩ khác nhau và từ đó có thể tìm ra nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề và từ lối lý luận đó xác xuất để chúng ta có thể có một cách giải quyết chính xác hơn được tăng lên.  Đấy là một trong những lý do chính tại sao trong các công sở ngày nay đang có phong trào hướng về các công việc mang tính chất dựa trên một nhóm thay vì một người và nhấn mạnh về sự quan trọng của tính đa dạng trong công sở, và khả năng dung nạp được nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề trong quá trình quyết định công việc.
Thông Hiểu và Tư Duy Chiến Lược
Để đối phó với tình trạng tăng cường cạnh tranh giữa các công ty, một trong những điều kiện cần thiết cho tất cả thành phần quản trị (management) và hầu như tất cả các nhân viên là kỹ năng Tư Duy Chiến Lược (khả năng biết nhìn xa).  Đôi khi người ta gọi kỹ năng này là khả năng có được cái nhìn Toàn Bộ cho công ty (big picture) và thấy được vị trí của công ty của họ trong toàn bộ kỹ nghệ  và tầm nhìn xa cho công ty trên đường dài. Không giống như trong thập niên 80 với phong trào tập trung vào các khả năng chuyên biệt, trong thế giới ngày nay, khuynh hướng chung là muốn thành công bạn cần phải có một số kỹ năng cần thiết trong nhiều lãnh vực khác nhau để có thể thông hiểu được rất nhiều khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp của bạn cũng như của môi trường xung quanh. Nói tóm lại, Nhà Quản Trị công nghệ cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc quản trị chiến lược và biết làm thế nào để soạn thảo và quản trị một cách có chiến lược, nhất là khi các công tác này sẽ được trao cho các nhân viên thuộc cấp thấp hơn trong công ty.
Lãnh Đạo Nhóm
Tuy có một vài sự nhầm lẫn trong các định nghĩa về Lãnh Đạo, có thể nói một cách tóm tắt rằng Lãnh Đạo là khả năng xác định ra đường hướng cho một tổ chức, hoặc nói một cách khác, là khả năng vạch ra con đường, chỉ rõ nó cho người cộng sự và xây dựng một sự đồng thuận trong nhóm  để mọi người cùng hướng về mục đích chung và thực hiên nó. Khả năng lãnh đạo này bao gồm bốn thành phần chính như sau:
  • Viễn Kiến (Vision): những người lãnh đạo hữu hiệu phải có khả năng truyền đạt một viễn kiến chung cho tổ chức của mình và khuyến khích được mọi người cùng dấn thân và cam kết thực hiện mục đích chung đó.
  • Thụ Quyền (Empowerment): Người Quản Trị giỏi không những phải biết tạo cơ hội cho nhân viên có thẩm quyền quyết định trong công việc của họ, mà còn phải khuyến khích họ sử dụng thẩm quyền đó trong công việc hằng ngày. Khi mà họ cảm thấy họ có thể tự quyết định chính họ và đôi khi có thể chấp nhận rủi ro hoặc ngay cả thất bại, thì lòng tin của họ sẽ được nâng cao. Khả năng của nhân viên sẽ được phát triển khi người quản trị bỏ thì giờ để hướng dẫn, khải đạo, và huấn luyện cho nhân viên của mình.
  • Liêm Khiết (Integrity): nói cho cùng, người lãnh đạo là tấm gương cho toàn Nhóm noi theo. Chỉ có lãnh đạo bằng chính cách hành xử của cá nhân mình, Nhà Quản Trị mới có thể xây dựng được niềm tin tưởng trong nhân viên đủ mạnh để tạo thành một "văn hóa hành xử" (culture) trong công ty ngõ hầu giúp công ty đạt thành quả cao.
  • Kỹ Năng của Người Được Lãnh Đạo: Nhà Quản Trị giỏi không những phải có khả năng về lãnh đạo người khác, mà còn phải biết giúp người lãnh đạo của mình (xếp của mình) hoàn thành các mục tiêu chung của công ty với một tư duy độc lập hơn là chỉ dựa hoàn toàn vào sự chỉ huy của cấp trên.
Giao Tế
Người Quản Trị có khả năng Giao Tế giỏi là người có khả năng thuyết phục, thương thảo, và giao thiệp một cách hữu hiệu với những người xung quanh. Đối với những người làm việc trong Công nghệ (ngành kỹ sư) thì tuy đây không hẳn là những kỹ năng tối cần thiết, nhưng trong công ty ngày nay với môi trường làm việc theo nhóm (tập thể) thì những kỹ năng về Giao Tế này không thể thiểu được. Một số kỹ năng quan trọng trong vấn đề giao tế là sự tự tin, khả năng giao tế và tạo được những mối liên hệ tốt đẹp trong công việc khi làm việc với người khác, dù là người ở vị trí hay chức vụ nào đi nữa.
Thiết lập Mạng Lưới Giao Dịch (Networking)
Đây là một trong những kỹ năng mới được biết đến do sự hữu hiệu của nó. Kỹ năng thiết lập Mạng Lưới Giao Dịch là khả năng đi ra ngoài những hệ thống liên lạc trong công ty của mình và những chức vụ liên hệ trực tiếp trong công ty để có thể liên hệ với những nhân sự quan trọng khác bên ngoài có thể giúp chúng ta thực hiện tốt công tác được giao phó.
Phát huy Sáng Kiến và Chủ động
Người Quản Trị thật sự thành công là những người biết chủ động khởi xướng ra công việc bằng cách nhận lãnh những công tác đôi khi ngoài giới hạn trách nhiệm của mình. Họ là người xông xáo, biết nhận lãnh trách nhiệm đôi khi ở ngoài giới hạn công việc của mình khi họ cảm thấy cần thiết.  Đây là một việc không dễ dàng bởi vì họ phải chấp nhận một số rủi ro có thể xảy ra.
Tự Quản Trị
Đây là kỹ năng rất cần thiết cho một người Quản Trị giỏi, là tinh thần học hỏi cầu tiến không ngừng để phát triển bản thân và để thích ứng với những thay đổi không ngừng của công ty, của môi trường thế giới bên ngoài. Người có kỹ năng này cũng có cá tính trầm tĩnh và khả năng tự thay đổi cho thích hợp với môi trường.  Đặc biệt, người có kỹ năng tự quản trị biết sử dụng các phê bình xây dựng để tự thay đổi và có thể tự đánh giá bản thân một cách trung thực về điểm mạnh và điểm yếu của chính mình, từ đó có thể tự thay đổi để ngày một tốt đẹp hơn.
Đạo Đức và Liêm Chính
Càng ngày người ta càng nhận thức ra rằng Đạo Đức và  Liêm Chính (Integrity) là những đức tính căn bản để có thể thành công trong môi trường công việc làm việc theo nhóm và thay đổi nhanh chóng này. Khả năng Biết Mình Biết Người cộng với một số quy luật hướng dẫn trong lúc làm việc sẽ tạo thành một nền móng căn bản tạo thành khả năng lãnh đạo hữu hiệu và thành công. Đây chính là nền móng để nhà Quản Trị có thể quyết định trước những vấn đề khó khăn và hành xử một cách can đảm khi phải đối diện với khó khăn và thử thách.
(Nguồn: American Society for Engineering Management - "The Emerging Leader and Leading Change").

TẠI SAO ĐỨC TÍNH MẠNH MẼ LẠI CẦN THIẾT ĐỂ SỐNG MỘT ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH




Mortimer Adler, Ph.D.


Khi xem xét vấn đề mà một cá nhân phải giải quyết, ta cần phải xét luôn những hoàn cảnh mà cá nhân đó bị ảnh hưởng bởi thời vận--cả xấu lẫn tốt. Trước khi bàn về cách thức giải quyết vấn đề này như thế nào, ta cần làm sáng tỏ những từ ngữ này.
Nói đến thời vận tức là nói đến bất kỳ khía cạnh nào của đời sống mà nằm ngoài tầm kiểm soát của ta--những điều xảy đến cho chúng ta, những chuyện tình cờ xảy đến cho ta, cả xấu cũng như tốt. Nói đến vận rủi, tôi muốn nói đến những chuyện tình cờ hay hoàn cảnh có ảnh hưởng tai hại hay không thuận lợi cho việc tạo dựng một đời sống tốt đẹp cho bản thân. Còn vận may, tức là những điều ngược lại--những hoàn cảnh hay chuyện tình cờ khiến cho đời sống của ta trở nên thuận lợi.
Trong một chương trước, ta thấy rằng cuộc đời của một người có thể bị hủy hoại ngay từ lúc sơ sinh hay thơ ấu vì những điều cực kỳ không may xảy ra. Không phải người ta chỉ bị xui xẻo từ khi thơ ấu mà còn có thể gặp nhiều vận rủi lớn lao lúc ở vào tuổi trung niên hay tuổi già xế bóng. Những điều rủi ro cực độ đều có tác dụng hủy hoại. Ta cũng có thể thấy được có những người bị ảnh hưởng tai hại, điều mà ta thường nói là "bị hư" vì lúc nhỏ đã được vận may [hay cha mẹ] nuông chiều quá mức. Sự thái quá này có lẽ sẽ không có tác dụng tai hại khi người đó đã lớn, nhưng có quá nhiều sự may mắn vẫn có thể là một sự trở ngại nghiêm trọng trong việc phát triển nhân cách, vì những sự may mắn này đều mang tính chất cám dỗ cao độ. Một người làm việc lao động vất cả mà chỉ đủ sống thì chắc chắn sẽ bị cám dỗ với những ý tưởng rong chơi hay nằm ngủ cả ngày. Còn về cực bên kia, những người sống trong nhung lụa hay có phương tiện để sống xa hoa thì cũng bị những sự cám dỗ mạnh mẽ khác có ảnh hưởng xấu đến đời sống của người đó; những sự cám dỗ của xa hoa cũng tác động mạnh mẽ như sự túng thiếu đối với cuộc đời của kẻ không may.
Những hoàn cảnh bình thường, theo tôi, là những hoàn cảnh nằm ở giữa hai cực của vận may và vận rủi. Còn những hoàn cảnh bất thường là những hoàn cảnh có khuynh hướng thiên về một trong hai cực nhưng không quá độ đến nỗi không ai có thể vượt qua được những trở ngại do các hoàn cảnh như vậy gây ra.
Như vậy, ở đây ta có một vấn nạn. Nếu sống một đời sống tốt[1] trong những hoàn cảnh bình thường đã khó, và lại còn khó hơn khi gặp hoàn cảnh bất thường, thì người ta có được những phương sách nào tự trong bản thân mình để đối phó với những ảnh hưởng quá độ do vận may và vận rủi mang lại. Ở đây ta không bàn đến những trường hợp quá độ vượt quá sức con người bình thường.
Mặc dù tôi không cho rằng lẽ thường[2] có thể giúp ta có câu trả lời thích hợp cho vấn nạn này, điều mà tôi muốn nói là những giải pháp do lẽ thường đưa ra chắc chắn là thích hợp và khá là thỏa đáng. Nếu ta thấy những giải pháp do lẽ thường đưa ra có chỗ được thỏa đáng, có lẽ vì những điều mà lẽ thường hướng dẫn thì dễ hiểu hơn là dễ làm.
***
Trước hết hãy bàn về vận rủi, tức là những điều có ảnh hưởng tai hại hay không thuận lợi đến việc tạo dựng một đời sống tốt cho mỗi cá nhân. Những điều này gồm có bệnh hoạn triền miên hay bị tàn tật; không có khả năng kiếm được việc làm đàng hoàng để sinh sống mà không phải vì lỗi của mình;[3] bị thương tật đến thể chất do kẻ khác hay xã hội gây ra; bị cô đơn hay mất đi người thân hay bạn bè, vì lý do này hay lý do khác; những ảnh hưởng trên đời sống cá nhân vì chiến tranh, bạo loạn, và bất ổn xã hội; và sau cùng là ảnh hưởng của một nền văn hóa mà những giá trị của nó--những điều được đề cao và những điều bị coi thường--lại tương phản với cách sống của một người để qua đó tạo dựng một đời sống tốt lành.[4]
Tôi đã không liệt kê trong danh sách này những rủi ro từ sơ sinh, và từ thuở thiếu thời bởi vì đó là những điều xảy ra trước khi một người bắt đầu đương đầu với những vấn nạn mà những rủi ro này gây nên cho người đó; tỉ như, không được học hành đàng hoàng, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, trời cho tư chất kém. Tuy nhiên, những rủi ro này, ta cũng nên để ý tới, với điều kiện là, những rủi ro này, cũng như những rủi ro khác sẽ xảy ra trong thời gian sau của cuộc đời, không quá khắc nghiệt đến nỗi không thể vượt qua được.
Nhưng người ta đối phó với vận rủi như thế nào? Câu trả lời theo lẽ thường là bằng sức mạnh của đức tính. Tiếng La-tinh của từ này là fortitudo, theo tiếng Việt là "nghị lực." Nói nôm na, nghị lực là sức mạnh đạo đức hay ý chí để vượt qua mọi trở ngại. Có hai lý do để gọi nghị lực là sức mạnh thuộc về "đạo đức" hơn là sức mạnh "thể chất." Sức mạnh thể chất của một người, phần lớn là do trời cho, dù người ta có thể tập luyện làm cho nó tốt hơn chút ít, nhưng đó không phải là điều mà người đó tự ý mình đạt được. Sức mạnh đạo đức, ngược lại, thuộc về phạm vi của những điều mà người ta có thể đạt được bằng ý muốn và nỗ lực cá nhân. Lý do thứ hai và cũng là lý do sâu xa hơn khi gọi nghị lực là "sức mạnh đạo đức" nằm ở chỗ mục đích nó được sử dụng là gì. Nghị lực có ý nghĩa đạo đức chỉ khi nào người ta dùng nó để vượt qua những trở ngại làm cản trở sự xây dựng đời sống tốt lành cho cá nhân của họ.
Ta cũng thường thấy--rủi thay việc này xảy ra rất thường--là có người có ý chí vượt qua những trở ngại ngăn chặn sự thành công của họ, nhưng mục đích lại không phải là xây dựng một đời sống tốt mà là một đời sống xấu xa của tội ác, của lười biếng, của ăn chơi, một đời sống đầy rẫy những xa hoa nhưng lại thiếu đi những điều tốt đẹp khác. Y cũng tỏ ra cho mọi người thấy có cùng nghị lực hay đức tính của một người tốt, và quyết vượt qua trở ngại để đạt được mục đích. Xét về ý chí, hai người giống nhau, nhưng ta không coi người đó là người đạo đức, chỉ vì nghị lực đó không được dùng để nhắm đến mục đích xây dựng đời sống tốt. Đó chỉ là món hàng giả của nghị lực, thiếu đi phẩm chất đạo đức.
Giả sử đời sống của một người mà hoàn toàn không bao giờ gặp phải những nghịch cảnh nghiêm trọng, thì liệu người đó có cần phải có nghị lực để sống một đời sống tốt hay không? Nếu không  phải vậy, thì lẽ thường và kinh nghiệm thông thường đã chứng minh là ở một mức độ nào đó, nghị lực là một tố chất thiết yếu trong tiến trình xây dựng thành công một đời sống tốt.
Câu trả lời này tương đối đầy đủ, nhưng chưa hoàn toàn. Lẽ thường không chỉ dẫn cho ta cách phát triển nghị lực tới mức độ cần thiết để đối phó với những nghịch cảnh mà ta gặp phải. Về phương diện này không một ai biết rõ đức tính được tạo thành như thế nào để chỉ dẫn lại cho người khác đang cần được hướng dẫn, kể cả đó là cha mẹ, thầy cô, hay chính cá nhân người đó tìm ra phương sách để rèn luyện, dù ai cũng hiểu là nghị lực là điều cần có. Kết quả, đương nhiên, là một tình trạng hoàn toàn không thể chấp nhận được, nhưng chưa có ai, theo tôi biết, tìm ra phương thức để cải sửa.
***
Hãy xét đến mặt bên kia của vấn đề: một người được hưởng quá nhiều vận may, [nhưng có quá nhiều] những điều tốt lại trở trở nên xấu bởi vì những cám dỗ tiềm tàng--những sự cám dỗ khiến cho người ta dễ dàng phí phạm thì giờ, đắm mình trong khoái lạc nhất thời, hưởng thụ vật chất xa hoa. Nói một cách khác là sống hết ngày này qua ngày khác theo những giây phút vui vẻ, thay vì phải khổ công và vất vả để sống một đời sống tốt. Làm cách nào để cho một người đã hiểu được thế nào là sự khác biệt giữa một đời sống tốt và thời gian vui vẻ, và đã chọn xây dựng đời sống tốt làm mục đích cuộc đời? Làm cách nào để người đó đối phó được với những cám dỗ do vận may quá độ mang lại?
Câu trả lời mà lẽ thường cho chúng ta trong trường hợp này cũng tương tự như trong trường hợp trước; đó là sức mạnh của đức tính, của nghị lực và ý chí. Chỉ có điều là về phương diện này, theo ngôn ngữ thường dùng, đức tính này có một tên khác: không gọi là nghị lực, nhưng gọi là sự tiết độ hay tự chủ. Ta vẫn thường gọi một người tiết độ là người có khả năng tự kiềm chế bản thân để không chiều theo những khoái lạc bất kể thuộc loại nào, hay khi người đó có thể tránh được sự quá trớn khi thu hoạch những điều tự nó tốt, nhưng chỉ tốt khi có chừng mực. (Như thế, một người có tiết độ sẽ không nhận một công việc có lợi tức cao, nhưng phải làm việc quá nhiều giờ đến nỗi không có thì giờ cho những công việc thư nhàn[5]).
Sự tiết độ không phải là sự khắc kỷ, khổ hạnh mà khác rất xa. Tiết độ không có nghĩa là tránh xa những khoái lạc của đời sống; tiết độ không xem thường sự thỏa mãn của vui chơi; không cắt xén hết những sự thoải mái của cuộc sống để dành thì giờ chuyên tâm "tu tập" cho đời sống tốt hơn. Một chân lý của lẽ thường cho thấy rằng, thực ra ta cũng có thể có rất nhiều điều tốt trong đời chứ, nhưng sự tiết độ gồm có ý chí để đối phó với những loại vận may mà sẽ mang lại cho ta quá dư thừa tài vật. Giống như nghị lực, sự tiết độ là sức mạnh của đức tính, và cũng giống như nghị lực, nó là một phần tử của đức hạnh chỉ khi nào nó được rèn luyện và thực hành nhằm xây dựng một đời sống tốt. Và chỉ vì lý do đó mà thôi. Là hai phương diện có tương quan với nhau của đức hạnh, cả hai đức tính này giúp cho người ta có sức mạnh đạo đức cần thiết để sống một đời sống tốt. Nghị lực và sự tiết độ khác nhau ở chỗ: một đằng là thái độ vững chắc đối phó với nghịch cảnh, khó khăn, đau đớn; một đằng là thái độ vững chắc đối với những sự quá độ về hạnh phúc, tài vật, hay khoái lạc do vận may mang lại.
Lý do khiến cho nghị lực trở nên một đức tính thiết yếu cũng áp dụng được trong trường hợp tiết độ, dù trong trường hợp này có thể không rõ ràng cho lắm, vì có nhiều quá những điều may mắn không có vẻ sẽ gây nên đau khổ cho người nhận, như trong trường hợp nghịch cảnh. Tuy nhiên, không có ai trong đời mà lại có thể thoát được sự cám dỗ của khoái lạc hay sự cám dỗ của việc hưởng lạc thú khoảnh khắc (good time) với điều khó khăn hơn là xây dựng đời sống tốt (good life). Như Marcus Aurelius, vừa là đại đế của đế quốc La Mã, vừa là triết gia phái khắc kỷ, đã từng nói, dù là khó nhưng không phải là điều bất khả để "sống một đời sống tốt trong cung điện."
Thêm vào điều này, trước hết ta cần phải nhận thức rằng ngay cả khi ta không bị ảnh hưởng bởi những điều quá độ của vận rủi hay vận may, ta cũng cần có sức mạnh của đức tính. Ta cần có nghị lực và sự tiết độ để thực hiện kế hoạch xây dựng cuộc đời của mình, chính vì bản kế hoạch này đòi hỏi ta phải cân nhắc những quyền lợi thuộc về khoảnh khắc với những quyền lợi của cả đời. Những khoảnh khắc vui thú, hay khoái lạc trong chốc lát có sức cám dỗ rất mạnh. Ta vẫn dễ dàng muốn có nhiều tài sản hơn là ta cần. Trốn tránh việc khó vẫn dễ dàng hơn là vất vả để làm việc tốt. Cái điều đòi hỏi để thực hiện hành vi đạo đức nhằm đạt đến mục đích ta tìm kiếm--một đời sống toàn diện và tốt vì đời sống đó bao gồm những điều thực sự tốt cho con người, những điều không thái quá, không bất cập--chính là đạo đức và đức tính. Đạo đức và đức tính chính là ý hướng đã được rèn luyện thành tập quán nhắm về đời sống tốt hơn là nhắm vào khoảnh khắc vui chơi, chính là chọn lựa điều thực sự tốt về lâu về dài hơn là những điều có vẻ tốt trong hiện tại.
Như ta đã biết, tất cả mọi khoái lạc đều là những điều tồn tại trong khoảnh khắc, nhưng mang tính chất tức thời và có sức lôi cuốn rất sinh động và trở thành một nguồn lực rất mạnh cạnh tranh với ước muốn xây dựng một đời sống tốt của ta--một mục đích không những xa vời, mà ta còn không biết là sẽ có thể kinh nghiệm qua hay hưởng thụ được đời sống như vậy không nữa, so với những khoái lạc của hiện tại. Ngay cả nếu những hoàn cảnh của đời sống một người là những hoàn cảnh bình thường, thì người đó vẫn cần sức mạnh của đức tính, tức là sự tiết độ, để bỏ qua hay giới hạn lại những khoái lạc tức thời cho cái tốt lớn lao hơn dù có xa vời, tức là cái tốt của cả đời sống. Về một phương diện khác, ngủ, chơi, làm biếng là những điều dễ làm, còn những công việc lúc thư nhàn thì lại khó khăn, đôi khi còn mệt mỏi và đau đớn nữa. Vì kế hoạch để tạo dựng đời sống tốt đòi hỏi ta phải dùng thì giờ rảnh rỗi vào những công việc thư nhàn cũng nhiều bằng hoặc hơn thì giờ để ngủ, để chơi, hay không làm gì hết, cho nên, cái sức mạnh của đức tính--nghị lực--là điều cần thiết để chịu đựng những đau khổ hay khó khăn cần thiết cho việc xây dựng một đời sống tốt thay vì chỉ hưởng thụ những khoái lạc nhất thời theo ngày lại qua ngày.
Điều thứ hai ta cần xem xét liên quan đến việc những người mang bệnh hay suy nhược thần kinh. Những bệnh tật hoặc suy nhược về thể chất mà không có thuốc chữa cũng có thể làm cho ta mất khả năng hay tạo ra một trở ngại không thể vượt qua được trong việc xây dựng một đời sống tốt; những bệnh tâm thần không có thuốc chữa, như bệnh điên cần phải điều trị trong nhà thương mà những cách chữa cũng không làm cho bệnh nhân trở lại bình thường, cũng có những hậu quả tương tự như vậy. Nhưng trong chúng ta, những người không đến nỗi quá xui để mắc những bệnh như vậy, vẫn có thể bị những trường hợp rối loạn thần kinh khiến cho không thể có những sự lựa chọn đúng đắn mà một người đạo đức sẽ làm. Trong trường hợp này, ta không thể vận dụng được ý chí hay sự tự chủ cần thiết để chọn phương thức này thay vì giải pháp nọ hầu giúp ta đạt được đời sống tốt cho bản thân. Phương thức chữa trị trong trường hợp này thuộc về y học chứ không phải là đạo đức, là cách thức chữa trị bằng tâm lý trị liệu chứ không phải là những lời khuyên bảo và khích lệ về đức tính hay đạo đức. Có một số người trong chúng ta cần được giúp đỡ để
vượt qua những trở ngại về tâm thần, những trở ngại có thể khiến cho ta không làm được, hoặc làm cho việc trở thành chủ nhân của chính cuộc đời của mình thêm khó khăn.

Nhưng khi vấn đề y học được giải quyết rồi, vấn đề đạo đức vẫn còn đó. Dùng y học để giải quyết tình trạng không có khả năng suy xét đúng sai của một người không có nghĩa là người đó đương nhiên có quyền làm việc sai trái. Một người mà đã được chữa lành chứng bệnh rối loạn tâm thần thì cũng ở trong một hoàn cảnh y hệt như những người may mắn khác không bị bệnh tật như vậy. Cả hai phải, bằng một cách nào đó, vận dụng ý chí, sức tự chủ và nghị lực để chọn những gì thực sự tốt cho mình trên đường dài chứ không phải chỉ những gì có vẻ tốt thuộc về nhất thời.
Điểm thứ ba, ta cần phải thêm vào là nguồn lực nội tại cần thiết để cho một người xây dựng được đời sống tốt lành cho chính mình bao gồm nhiều điều hơn cả sức mạnh của đức tính--còn cần hơn cả sự tiết chế hay nghị lực. Lẽ thường cho ta thấy là có một sức mạnh hay đức tính không thể thiếu được, cái mà ta vẫn thường gọi, khi là "cẩn trọng," lúc là "khôn ngoan." Đây là tính bẩm sinh của tâm trí hơn là một đức tính do tập luyện mà thành. Hành động thường xảy ra trong những tình huống đặc thù nào đó, và khi nào mà hành động của ta là những hành động tự nguyện và có tính chất lựa chọn, thì giá trị của những sự chọn lựa khác cũng cần phải được cân nhắc, không những vì những giá trị [và ảnh hưởng] do những chọn lựa này mang lại ngay tức khắc, mà còn ở trên đường dài của cả cuộc đời nữa. Sự cẩn trọng đòi hỏi ta phải cân nhắc những sự chọn lựa có cùng giá trị không phải chỉ vì chúng làm cho ta thỏa mãn và hài lòng trong giây phút hiện tại, mà còn đến ảnh hưởng về lâu về dài của những chọn lựa này.
Cuối cùng, nếu cần thì ta phải nói đi nói lại nhiều lần, rằng những đức tính hay thiên hướng này chỉ có giá trị đạo đức, khi và chỉ khi chúng được áp dụng để tạo dựng một đời sống tốt lành; những đức tính này không thể được công thức hóa thành những luật tắc hướng dẫn cho hành động. Nếu việc thực hiện đức hạnh chỉ là việc áp dụng một tập hợp những quy luật, thì đức hạnh có thể được truyền dạy và người ta có thể học được như học những ngành học hay nghệ thuật khác. Nhưng, như ta đã thấy, thực tế không phải như vậy. Trên phương diện căn bản nhất, tạo dựng một đời sống tốt lành cho bản thân thì hoàn toàn khác với tất cả những ngành nghệ thuật khác mà người học cần có quy luật hướng dẫn. Đúng là ta cần có một kế hoạch cho việc tạo dựng đời sống. Nhưng đó là điểm giống nhau duy nhất giữa việc tạo dựng đời sống tốt và việc thực hiện một tác phẩm nghệ thuật, vì trong nghệ thuật, quy luật về kỹ thuật và thủ tục là những điều cần thiết để thực hiện tác phẩm. Còn trong việc tạo dựng một đời sống tốt, thì đức tính thay thế cho quy luật.
(Trích từ The Time of Our Lives: The Ethics of Common Sense, Chương 7).